Dị ứng tôm - Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả bạn nên biết

Dị ứng tôm xảy ra khi ăn tôm hoặc món ăn có nguyên liệu này gây ra các triệu chứng như mề đay mẩn ngứa, sưng môi, đau bụng, tiêu chảy, ho, hắt hơi,... Vậy nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng tôm là gì? Cách điều trị dị ứng với tôm như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về tình trạng này.

Nguyên nhân bạn bị dị ứng tôm

Dị ứng tôm về cơ bản là một phản ứng quá mẫn xảy ra khi ăn tôm. Tình trạng này gặp ở 1% dân số trên toàn cầu, chủ yếu ảnh hưởng đến thanh thiếu niên và người lớn. Trong trường hợp xảy ra ở trẻ em thì 20% trong số đó sẽ phát triển triệu chứng dị ứng nhanh hơn khi đến giai đoạn sau.

Nguyên căn của tình trạng dị ứng với tôm là do hệ thống miễn dịch gặp trục trặc. Khi đó, hệ thống miễn dịch không thể nhận ra các protein có trong tôm, lầm tưởng đây là những chất gây hại. Qua đó, nó phát động một cuộc tấn công chống lại những chất mới xâm nhập vào bằng cách sản xuất ra các kháng thể. 

Trong những lần tiếp xúc tiếp theo của kháng nguyên là các protein trong tôm với kháng thể, hệ thống miễn dịch kích thích tế bào mast giải phóng histamin và một số chất hóa học khác gây ra phản ứng dị ứng. 

Trong đó, histamin có công dụng gây giãn lòng mạch, làm tăng tính thấm của thành mạch với tế bào bạch cầu để giúp chúng tham gia tiêu diệt các mầm bệnh hoặc tác nhân lạ. Đặc biệt, trong phản ứng dị ứng, histamin tham gia vào phản ứng viêm và đóng vai trò là chất trung gian gây ngứa. 

nguyen-nhan-bi-di-ung-tom-do-he-mien-dich-nham-lan-tom-la-co-hai.webp

Nguyên nhân bị dị ứng tôm do hệ miễn dịch nhầm lẫn tôm là có hại

>>> Xem thêm: Cách loại dị ứng khác thường gặp

Các triệu chứng dị ứng tôm thường gặp

Các triệu chứng dị ứng với tôm thường xuất hiện từ vài phút đến vài giờ sau khi ăn, hầu hết trường hợp xảy ra trong vòng 2 giờ. Nó có thể thay đổi từ kích ứng nhẹ đến nặng và nghiêm trọng nhất là gây ra sốc phản vệ đe dọa tính mạng. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Cảm giác ngứa ran ở lưỡi và miệng.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Chuột rút ở bụng.
  • Xuất hiện tiêu chảy.
  • Sưng và ngứa da.
  • Nổi mề đay.
  • Có các triệu chứng của bệnh chàm.
  • Sưng họng, môi, mặt, lưỡi, tai, bàn tay và ngón tay.
  • Thở khò khè, khó khăn hoặc nghẹt mũi.

Ngoài ra, phản ứng nghiêm trọng gây sốc phản vệ với các triệu chứng: 

  • Co thắt đường thở làm bệnh nhân khó thở.
  • Có cảm giác lâng lâng.
  • Chóng mặt cực độ.
  • Ngất hoặc mất ý thức.

Chẩn đoán dị ứng tôm như thế nào?

Chẩn đoán là bước quan trọng để điều trị đúng bệnh từ nguyên nhân, bao gồm cả dị ứng tôm. Do đó, khi bắt đầu có các triệu chứng nghi ngờ bị dị ứng tôm, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nhất. Các phương pháp chẩn đoán thường gặp bao gồm:

Khám lâm sàng cho bệnh nhân: Các bác sĩ sẽ thông qua dấu hiệu ngoài da để xác định có phải là triệu chứng của dị ứng hay không. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi thêm một số câu về tiền sử dị ứng của bạn và gia đình hay bạn đã từng mắc các bệnh lý liên quan như viêm mũi dị ứng, hen suyễn bao giờ chưa?

Xét nghiệm máu: Kiểm tra phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các protein tôm. Dựa trên cách tính toán lượng kháng thể Immunoglobulin E (IgE) trong máu. Đây còn được gọi là xét nghiệm chất hấp thụ dị ứng phóng xạ (RAST) hoặc xét nghiệm kháng thể IgE đặc hiệu với chất gây dị ứng.

Test lẩy da: Trong phương pháp chẩn đoán này, da sẽ được lẩy bằng dụng cụ như kim. Sau đó sẽ đưa một lượng chiết xuất nhỏ của chất gây dị ứng (protein tôm) đặt lên phần bị lẩy để theo dõi kết quả. Nếu xuất hiện nốt sần, với đường kính > 3mm thì chứng tỏ kết quả dương tính.

test-lay-da-duoc-su-dung-pho-bien-giup-chan-doan-di-ung.webp

Test lẩy da được sử dụng phổ biến giúp chẩn đoán dị ứng

Khi gặp tình trạng dị ứng tôm nên làm gì?

Cách tốt nhất để điều trị dị ứng tôm là tránh ăn hoàn toàn tôm hoặc các sản phẩm có tôm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người bệnh khó có thể tránh khỏi các phản ứng dị ứng hoàn toàn do khi bị dị ứng tôm sẽ dễ dẫn đến phát triển các loại dị ứng hải sản khác như cua, cá,... Chúng có cơ chế liên quan chặt chẽ với dị ứng tôm. Dưới đây là những bước xử lý cơ bản khi bị dị ứng tôm:

Xử lý bước đầu khi phát hiện dị ứng tôm

Xử lý bước đầu khi bị dị ứng tôm rất quan trọng, sẽ giúp ngăn chặn các triệu chứng diễn biến nghiêm trọng hơn. Đầu tiên cần loại bỏ tác nhân dị ứng là tôm, nếu tiếp xúc ngoài da thì cần làm sạch vị trí có tiếp xúc. Nếu người bệnh mới ăn tôm và xuất hiện dấu hiệu dị ứng thì cần tiến hành kích thích gây nôn để đẩy phần thức ăn này ra khỏi cơ thể.

Ngoài ra, với những triệu chứng sưng tấy, mẩn đỏ và ngứa ngáy trên da, người bệnh có thể dùng cách đắp khăn mát hoặc chườm lạnh. Đây là phương pháp bạn có thể làm ngay lập tức khi xuất hiện các nốt mẩn ngứa. Hơi lạnh sẽ làm dịu làn da, khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Cách trị dị ứng tôm bằng thuốc tây

Thuốc tây thường được sử dụng trong điều trị dị ứng vì mang lại hiệu quả nhanh, làm giảm tức thời các triệu chứng. Dưới đây là các loại thuốc thường được sử dụng:

Thuốc kháng histamin trong điều trị dị ứng tôm

Thuốc kháng histamin hay còn được gọi là thuốc chống dị ứng có tác dụng trong việc làm giảm các nốt mẩn ngứa, mề đay và triệu chứng dị ứng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng tạm thời trên người bệnh. Một số loại thuốc kháng histamin thường được sử dụng là: Loratadine, fexofenadine, chlorpheniramine, cetirizine,…

Nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ trên thần kinh gây mất tập trung, buồn ngủ, táo bón,... Do đó, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ/dược sĩ trước khi sử dụng, không lạm dụng thuốc và thận trọng khi dùng cho đối tượng đặc biệt như trẻ em, phụ nữ có thai,...

Thuốc bôi dành cho người bị dị ứng với tôm

Bôi thuốc là phương pháp điều trị tại chỗ giúp làm giảm tình trạng dị ứng trên da nhanh và hiệu quả nhất. Các dược chất trong thuốc sẽ thấm nhanh vào bề mặt da và giúp ức chế thụ thể histamin hoạt động.

Một số loại thuốc bôi ngoài da thường được sử dụng để làm giảm tình trạng dị ứng với tôm là: Phenergan, Eumovate Cream,… Đây là những loại kem bôi có tác dụng giảm mẩn đỏ, ngứa, mề đay do dị ứng và các loại côn trùng. 

dieu-tri-trieu-chung-di-ung-bang-cach-boi-thuoc.webp

Điều trị triệu chứng dị ứng bằng cách bôi thuốc

Cách chăm sóc người bị dị ứng tôm tại nhà

Trong trường hợp phản ứng dị ứng diễn ra không quá nghiêm trọng và chưa nguy hiểm, người bệnh có thể tự xử trí bằng cách chăm sóc tại nhà. Chăm sóc sức khỏe đúng cách là một biện pháp hỗ trợ trong điều trị dị ứng với tôm.

  • Ngoài việc ngừng ăn tôm, người bệnh cũng phải thận trọng với các loại hải sản khác do có thể xuất hiện tình trạng phản ứng dị ứng chéo.
  • Bổ sung các vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để tăng cường hệ thống miễn dịch.
  • Bổ sung nhiều nước cho cơ thể để đào thải các chất độc. 
  • Nên tắm gội hàng ngày để làm sạch da, loại bỏ các chất gây kích ứng.
  • Hạn chế và tốt nhất là tránh gãi các nốt ngứa vì thông qua đó có thể làm trầy xước da, gây kích ứng và xuất hiện tình trạng viêm nhiễm.
  • Hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ, bia rượu vì nó dễ làm cho phản ứng dị ứng diễn ra nặng nề hơn.

Đẩy lùi triệu chứng dị ứng nhờ thảo dược

Một số loại thảo dược đã được chứng minh trong quá trình điều trị dị ứng như: 

Củ tỏi: Trong tỏi chứa chất chống viêm mạnh và tăng cường miễn dịch là quercetin, có khả năng hoạt động như một chất kháng histamin tự nhiên, thông qua đó làm giảm histamin trong dị ứng.

Nghệ tươi: Hợp chất hoạt động mạnh nhất của nghệ là curcumin. Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng, chất này có thể làm giảm và ức chế đáng kể phản ứng dị ứng.

Cây nhàu: Nhàu đã được nghiên cứu lâm sàng cho thấy dịch chiết lá và quả có khả năng ức chế các chất gây viêm như kaempferol-3-O-α-L-rhamnopyranosyl-(1→ 6)-β-D-glucopyranoside, axit ursolic và rutin. Thêm nữa, nó làm ức chế kích hoạt tế bào mast dẫn đến giảm giải phóng histamin. Từ đó cải thiện các triệu chứng mề đay, mẩn ngứa và giúp làm tăng khả năng phục hồi da.

nhau-co-kha-nang-dieu-tri-trieu-chung-di-ung-hieu-qua.webp

Nhàu có khả năng điều trị triệu chứng dị ứng hiệu quả

Biện pháp phòng ngừa dị ứng với tôm hiệu quả

  • Không chỉ tôm, bạn cũng cần cẩn trọng khi ăn các loại hải sản khác. Khi ăn các món hải sản lạ thì cần phải thử từng ít một. 
  • Thận trọng khi cho trẻ em ăn hải sản do hệ miễn dịch của bé chưa phát triển hoàn toàn, dẫn đến nguy cơ bị dị ứng cao hơn người lớn. 
  • Cẩn thận khi đọc nhãn thực phẩm vì một số loại có chứa các thành phần không rõ ràng như “hương vị tôm”, “nguồn từ tôm”.
  • Cho mọi người xung quanh biết về việc bạn bị dị ứng với tôm. 

Dị ứng tôm thường phổ biến ở người lớn hơn so với trẻ nhỏ, tuy nhiên các phản ứng dị ứng có xu hướng phát triển nghiêm trọng hơn ở trẻ. Vì vậy ở cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần cẩn trọng với tình trạng này. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy comment hoặc để lại số điện thoại, các chuyên gia sẽ giúp bạn giải đáp kịp thời. 

Tài liệu tham khảo

https://readysetfood-com.translate.goog/blogs/community/a-parents-guide-to-shrimp-allergy-shellfish-allergy-breakdown-for-families?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=op

https://health.usnews.com/health-news/blogs/eat-run/articles/2017-05-19/the-5-best-herbs-for-spring-allergy-relief

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25002809/

Bình luận

Bài viết nổi bật