Dị ứng xi măng và những thông tin quan trọng cần biết

Dị ứng xi măng là một trong những tình trạng thường gặp đối với các công nhân, kỹ sư xây dựng. Tuy không gây nguy hiểm đến sức khoẻ nhưng nó có thể ảnh hưởng đến công việc cũng như cuộc sống. Vậy dấu hiệu nhận biết dị ứng xi măng là gì? Có cách chữa nào hiệu quả không? Hãy tìm hiểu bài viết dưới đây để biết thêm nhiều thông tin bổ ích nhé.

Dị ứng xi măng là tình trạng gì?

Xi măng là vật liệu có tác dụng kết dính thường được sử dụng chính trong ngành xây dựng. Dị ứng xi măng hay xi măng “ăn tay” là tình trạng viêm da do thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với xi măng.

Thủ phạm chính gây ra dị ứng xi măng là muối crom VI (hoá trị 6), khi hoà tan trong nước sẽ tạo ra hợp chất có tính ăn mòn rất mạnh. Hợp chất này có thể xâm nhập vào da và cơ thể sẽ xác nhận nó là tác nhân “lạ” từ đó sinh ra các phản ứng miễn dịch để vây bắt chúng. 

Tình trạng dị ứng xi măng thường xuất hiện triệu chứng sau khi tiếp xúc trong thời gian dài (từ 3 tháng - 1 năm). Đây là khoảng thời gian cần thiết để các tế bào lympho (tế bào đặc hiệu của hệ thống miễn dịch) lưu lại thông tin và sản sinh kháng nguyên. Do vậy, những người làm công việc liên quan đến xây dựng như thợ hồ, công nhân, kỹ sư,… là đối tượng dễ bị dị ứng xi măng.

muoi-crom-vi-la-thanh-phan-gay-ra-phan-ung-di-ung-xi-mang.webp

Muối crom VI là thành phần gây ra phản ứng dị ứng xi măng

Dấu hiệu nhận biết dị ứng xi măng

Các triệu chứng dị ứng xi măng thường xuất hiện khá muộn, khoảng từ 1 - 2 tuần sau khi tiếp xúc liên tục. Tùy vào mức độ tiếp xúc mà người bệnh sẽ có các biểu hiệu phản ứng nặng nhẹ khác nhau. Những triệu chứng dị ứng thường xuất hiện ở lòng bàn tay, móng tay, kẽ ngón tay, bàn chân, bắp chân,… Cụ thể:

  • Ban đầu da nổi mẩn đỏ kèm theo mụn nước, ngứa ngáy khó chịu.
  • Lớp da tay, chân trở nên dày và thô ráp hơn, nhiều chỗ bị đóng vảy.
  • Sau đó, da càng ngày càng khô, vảy bị bong tróc, có khi nứt rạn chảy máu rất đau, gây khó khăn khi cầm nắm.
  • Tình trạng này tiếp tục kéo dài thì vi khuẩn có thể xâm nhập gây loét da, chảy dịch mủ vàng dẫn đến bội nhiễm vô cùng nguy hiểm.
  • Ngoài ra, người dị ứng xi măng còn có thể gặp các triệu chứng ngạt mũi, ho khan, khó thở. Tình trạng này là do bụi xi măng xâm nhập vào hệ hô hấp gây kích ứng niêm mạc mũi họng.

>>> Xem thêm: Nổi đốm đỏ trên da là bệnh gì, có nguy hiểm không?

Chữa dị ứng xi măng bằng cách nào?

Dị ứng xi măng có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như công việc của người mắc. Vậy có thể chữa dị ứng xi măng bằng những cách nào? Hãy tham khảo cụ thể ở dưới đây nhé.

Cách xử lý dị ứng xi măng tại chỗ

Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bị dị ứng xi măng, bạn nên thực hiện các biện pháp xử lý tại chỗ sau đây để giảm tối đa sự lây lan:

  • Dừng tiếp xúc với xi măng, bê tông cho đến khi xác định chính xác tình trạng mắc phải.
  • Lập tức rửa sạch tay chân với nước sạch. Không dùng xà phòng hay bôi dầu lên vết ngứa để tránh viêm nhiễm nặng hơn.
  • Có thể dùng nước muối sinh lý để rửa vết ngứa hoặc dung dịch cồn iod để tránh nhiễm trùng.
  • Thay quần áo mới, không để lẫn quần áo dính xi măng với quần áo thường ngày.
  • Chườm đá lạnh để giảm mẩn ngứa khó chịu.

Sau khi áp dụng các biện pháp xử lý tại chỗ, người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn một cách đầy đủ nhất.

su-dung-da-lanh-chuom-giup-giam-tinh-trang-sung-tay-do-di-ung-xi-mang.webp

Sử dụng đá lạnh chườm giúp giảm tình trạng sưng tấy do dị ứng xi măng

Thuốc điều trị dị ứng xi măng

Thông thường, các triệu chứng dị ứng xi măng sau khi ngừng tiếp xúc có thể tự thuyên giảm. Tuy nhiên, đối với công nhân xây dựng thì việc tiếp xúc là rất khó tránh khỏi. Lúc này, cách điều trị phù hợp nhất là sử dụng thuốc để kiểm soát và giảm nhanh các triệu chứng. Người mắc sẽ được bác sĩ kê một số loại thuốc uống hay thuốc bôi tùy thuộc vào cơ địa cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Bị dị ứng xi măng bôi thuốc gì?

Dùng các loại thuốc bôi ngoài da là một trong những cách phổ biến để chữa dị ứng xi măng. Các loại thuốc này có tác dụng nhanh, cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, nổi mẩn nhờ đó mà người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Một số loại thuốc bôi thường gặp là:

  • Kem bôi chứa corticoid: Có tác dụng chống viêm nhiễm, giảm phù nề hiệu quả. Bạn có thể dễ dàng nhận biết nhóm thuốc này qua những cái tên quen thuộc như: Betamethasone, hydrocortisone, Eumovate, Gentrisone,...
  • Thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da: Trong các trường hợp dị ứng xi măng có nguy cơ bị bội nhiễm thì bác sĩ sẽ kê thêm loại thuốc này để tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập, tránh biến chứng nguy hiểm. Các hoạt chất thường gặp là neomycin, erythromycin, mupirocin, bacitracin,...
  • Gel bôi kháng nấm: Có tác dụng giúp ức chế vi nấm, giảm tổn thương, bảo vệ da, giảm ngứa, mẩn đỏ. Một số gel kháng nấm thường gặp là: Nizoral, Clotrimazole 1%, Dipolac G,...
  • Kem làm mềm, dưỡng ẩm da: Làn da của người bị dị ứng xi măng thường khô ráp, sần sùi và đóng vảy nên cần dùng kem dưỡng ẩm, làm mềm da để giảm tình trạng này cũng như hỗ trợ lành vết thương. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định các loại kem chứa vitamin E, vitamin A, vitamin C,… 

Lưu ý trước khi khi sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da thì người bệnh cần vệ sinh tay chân sạch sẽ. Chỉ lấy một lượng thuốc vừa đủ để thoa trên vùng da bị tổn thương. Tuyệt đối không băng kín bởi sẽ làm vết ngứa loét chậm lành hơn. Tốt nhất nên bôi các thuốc này vào buổi tối, tuy nhiên nếu tình trạng dị ứng nặng thì có thể sử dụng 2-3 lần/ngày theo chỉ định của bác sĩ.

thuoc-boi-co-tac-dung-nhanh,-cai-thien-cac-trieu-chung-man-ngua-kho-chiu.webp

Thuốc bôi có tác dụng nhanh, cải thiện các triệu chứng mẩn ngứa khó chịu

Bị dị ứng xi măng uống thuốc gì?

Ngoài các loại thuốc bôi thì các bác sĩ sẽ kê cả thuốc uống để điều trị dị ứng xi măng. Cụ thể là các nhóm thuốc sau:

  • Thuốc kháng histamin: Loratadin, clorpheniramin, Terfenadin,... Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế histamin - chất trung gian hoá học gây viêm, dị ứng từ đó giảm nhanh các triệu chứng mẩn ngứa khó chịu. 
  • Thuốc chống viêm, giảm đau NSAIDs: Paracetamol, ibuprofen,… Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau, chống viêm, dùng trong trường hợp dị ứng xi măng nặng kèm sốt cao.
  • Thuốc kháng sinh: Một số thuốc được kê thêm trong các trường hợp nhiễm trùng nặng như: Augmentin, cefixim, clarithromycin, sulfamethoxazole,...

So với nhóm thuốc bôi ngoài da thì điều trị dị ứng xi măng bằng thuốc uống dễ gặp các tác dụng phụ nguy hiểm hơn như teo cơ, loét dạ dày,... Chính vì thế, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ/dược sĩ trước khi sử dụng. 

Thảo dược giúp cải thiện dị ứng xi măng

Những vị thảo dược thiên nhiên đều mang tính an toàn cao, có tác dụng cải thiện tình trạng dị ứng từ sâu bên trong. Một số vị dược liệu bạn có thể tham khảo là:

  • Cao nhàu: Được cô đặc từ lá, vỏ thân của cây nhàu (cây ngao, nhàu rừng). Công dụng là chống viêm, chống dị ứng, giúp làm dịu cơn ngứa, kích thích vết thương mau lành, hạn chế hình thành sẹo gây mất thẩm mỹ. Tác dụng chống dị ứng của cây nhàu đã được nghiên cứu và chứng minh bởi các dược sĩ đại học Kinki, Nhật Bản. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt chất MCL-ext trong nhàu có hiệu quả trong phản ứng quá mẫn tức thời. Bởi chất này có cơ chế ức chế giải phóng và phân hủy các chất gây viêm. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn cho thấy uống dịch chiết cây nhàu không gây ra bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào cho sức khỏe.
  • Cỏ nhọ nồi: Có tác dụng lương huyết, bổ thận, ích âm, thường dùng hiệu quả trong trường hợp ngứa nổi mẩn, mề đay,… do dị ứng. Bạn có thể lấy nước cốt nhọ nồi để uống và phần bã dùng đắp vào vết ngứa.
  • Kim ngân hoa: Theo y học cổ truyền, kim ngân hoa có vị ngọt, tính hàn, quy vào kinh tâm, phế, vị. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán phong nhiệt, chống dị ứng.

dung-thao-duoc-chua-di-ung-xi-mang-do-co-dia-nhay-cam.webp

Dùng thảo dược chữa dị ứng xi măng do cơ địa nhạy cảm

Biện pháp phòng tránh dị ứng xi măng

Đối với tình trạng dị ứng xi măng thì giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa bệnh lý này là giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc với xi măng. Ngoài ra còn có một số biện pháp để tránh dị ứng xi măng bao gồm:

  • Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động: Đây là biện pháp hiệu quả nhất được nhiều người áp dụng để bảo vệ cơ thể khỏi sự tiếp xúc với xi măng. Một bộ đồ bảo hộ sẽ bao gồm quần áo dài tay, găng tay, kính bảo hộ, ủng cao ngang đầu gối. Khi mặc, bạn cần chú ý nhớ bỏ quần áo vào trong ủng sau đó dùng băng keo dính lại. Việc làm này sẽ tránh được việc xi măng có thể rơi vào trong ủng.
  • Vệ sinh sạch sẽ sau khi lao động: Sau khi làm việc, bạn nhớ rửa tay chân thật sạch, có thể dùng các loại xà phòng trung tính, độ pH thấp. Đồ lao động sau khi sử dụng cũng phải được giặt sạch sẽ, phơi ở chỗ khô thoáng. Đối với găng tay sau khi phơi khô phải được bảo quản bằng túi nhựa.
  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh: Việc ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, trái cây sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm thiểu được tình trạng dị ứng với xi măng.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao: Tưởng chừng như không liên quan nhưng việc tập thể dục hàng ngày sẽ giúp cải thiện hệ miễn dịch, nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể trước các tác nhân có hại.

ban-nen-mac-do-bao-ho-khi-lam-viec-de-phong-tranh-di-ung-xi-mang.webp

Bạn nên mặc đồ bảo hộ khi làm việc để phòng tránh dị ứng xi măng

Bài viết đã đem đến những kiến thức bổ ích giúp bạn hiểu hơn về tình trạng dị ứng xi măng. Khi có những dấu hiệu dị ứng, bạn hãy tìm cách chữa trị kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ và công việc. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, bạn vui lòng bình luận bên dưới để được giải đáp.

Tài liệu tham khảo:

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26213878/

http://neutralite.com/recent-research/allergies/

https://journals.lww.com/dermatitis/Abstract/2016/07000/Cement_Induced_Chromate_Occupational_Allergic.8.aspx

Bình luận

Bài viết nổi bật