Dị ứng thuốc là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ thì những tiến bộ về y học hay cụ thể là thuốc đóng một vai trò quan trọng trong đời sống. Tuy nhiên, ngoài tác dụng chữa bệnh, thuốc cũng mang đến nguy cơ dị ứng, đặc biệt ở người có cơ địa nhạy cảm. Dị ứng thuốc có nhiều mức độ khác nhau, nhưng đều ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người sử dụng. Do đó, nhận biết đúng các triệu chứng, nguyên nhân và cách xử lý dị ứng thuốc là rất cần thiết.

Triệu chứng dị ứng thuốc

Trên thực tế, biểu hiện ở da và niêm mạc là những dấu hiệu thường gặp và xuất hiện sớm nhất trong các phản ứng dị ứng thuốc. Đây cũng là tiền đề quan trọng báo hiệu triệu chứng sốc phản vệ có thể xảy ra ngay sau đó. Vì vậy, xác định và xử lý đúng các dấu hiệu bất thường ở da sẽ có tác động rất lớn.

Theo các bác sĩ, dị ứng thuốc có thể từ nhẹ đến nặng, tùy theo các cấp độ:

Dị ứng thuốc nhẹ

Với phản ứng dị ứng thuốc tức thì, triệu chứng có thể xuất hiện chỉ sau vài phút sử dụng, bao gồm:

  • Mẩn ngứa, phát ban, nổi mề đay, mắt ngứa, đỏ, tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở.
  • Khó thở do khí phế quản bị co thắt.
  • Co thắt dạ dày, nôn mửa do kích thích cơ trơn đường tiêu hóa.

di-ung-thuoc-nhe.jpg

Dị ứng thuốc nhẹ là phát ban, nổi mề đay ngứa

Dị ứng thuốc trầm trọng

Một trong các triệu chứng dị ứng thuốc trầm trọng mà người bệnh có thể gặp phải là tình trạng trượt da, bong tróc khắp cơ thể, cực kỳ nguy hiểm. Đó là:

  • Hội chứng Lyell: da loét hoặc trượt thành nhiều mảng như bị bỏng do bị nhiễm độc hoại tử thượng bì, có thể gây tổn thương cho các cơ quan nội tạng như tim, gan, thận… và có nguy cơ tử vong cao.
  • Hội chứng Steven - Johnson: nổi bọng nước, đau rát khi bị vỡ, nổi ban đỏ, loét niêm mạc, viêm cơ tim, viêm thận.

Dị ứng thuốc nặng

Sốc thuốc, còn gọi là choáng phản vệ là phản ứng dị ứng thuốc nguy hiểm nhất, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Hiện tượng này xảy ra rất nhanh, thường là sau khi tiêm hoặc uống thuốc, tác động đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Sốc phản vệ kích hoạt một loạt các triệu chứng xảy ra, bao gồm: gây khó thở, buồn nôn, phát ban khắp người, chóng mặt, ngất xỉu, hạ huyết áp, chóng mặt, mất ý thức và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

soc-phan-ve-di-ung.png

Sốc phản vệ là triệu chứng dị ứng thuốc nặng, có thể gây tử vong

Nguyên nhân gây dị ứng thuốc

Theo cơ chế dị ứng, dị ứng thuốc là kết quả của các phản ứng bất thường do hệ thống miễn dịch gây ra. Histamin là một chất trung gian hóa học trong cơ thể, tập trung ở da, niêm mạc và tồn tại dưới dạng các mô liên kết tĩnh điện histamin - heparin không có hoạt tính. Khi thuốc xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ phá vỡ các kết nối tĩnh điện, phóng thích histamin vào máu. Được giải phóng, histamin tự do tác động lên hệ tuần hoàn làm giãn mạch, khiến tim đập nhanh; lên não gây nhức đầu do bị tăng áp lực nội sọ; lên hệ hô hấp gây co thắt cơ trơn khí phế quản…

Phản ứng dị ứng thuốc có thể xảy ra ngay lần đầu, nhưng cũng không ít trường hợp sử dụng nhiều lần mới xuất hiện. Ngoài ra, bất kỳ loại thuốc nào hay đường đưa thuốc vào cơ thể đều có thể gây dị ứng. Tuy nhiên, một số nhóm thuốc như thuốc kháng sinh (penicillin), thuốc giảm đau (aspirin, ibuprofen) hay thuốc an thần  được cảnh báo dễ gây dị ứng nhiều hơn.

penicillin.jpg

Dị ứng kháng sinh thường gặp nhất là thuốc penicillin

Trong thuốc, không chỉ là dược chất mà bất cứ thành phần nào, ví dụ: chất bảo quản, tá dược, tạp chất đều có thể gây dị ứng thuốc. Đặc biệt, sử dụng thuốc kém chất lượng, thuốc quá hạn sử dụng, thuốc giả… càng làm tăng nguy cơ phản ứng. Hơn nữa, thói quen dùng thuốc bừa bãi, không theo chỉ định của bác sĩ và không chú ý đến việc tương tác thuốc, đối tượng sử dụng đặc biệt như trẻ em, người suy gan, thận cũng làm phản ứng dị ứng thuốc trở nên nghiêm trọng hơn.

Xử lý dị ứng thuốc

Tùy vào biểu hiện và tình trạng bệnh lý tại thời điểm xảy ra, xử lý dị ứng thuốc sẽ có các biện pháp khác nhau. Nhưng dù là triệu chứng nào, xử trí với dị ứng thuốc cũng cần tiến hành nhanh, đúng và chính xác, hạn chế thấp nhất các biến chứng có thể xảy ra.

Hiện nay, mục tiêu điều trị dị ứng thuốc gồm 2 bước, đó là làm giảm các triệu chứng ban đầu, ngăn ngừa phản ứng nghiêm trọng và giúp cơ thể làm quen với sự có mặt của thuốc (nếu cần thiết).

Điều trị các triệu chứng ban đầu

Nguyên tắc đầu tiên khi điều trị dị ứng thuốc, đó là ngừng mọi loại thuốc đang sử dụng. Điều này giúp giảm bớt triệu chứng, đồng thời ngăn chặn biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện sau đó.

Như đã đề cập ở trên, nổi mề đay hay phát ban là triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất của dị ứng thuốc. Lúc này, việc điều trị tập trung vào một số loại thuốc ức chế hệ miễn dịch, được gọi chung là thuốc chống dị ứng như: kháng histamin, corticosteroid...

Giải mẫn cảm thuốc

Trên thực tế, không ít trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc đã từng bị dị ứng để điều trị bệnh vì không thể tìm được thuốc khác thay thế. Điều này dẫn đến một vấn đề, đó là làm thế nào để có thể dùng thuốc mà không bị dị ứng hoặc nếu phản ứng thì không quá nghiêm trọng.

Hiện nay, các bác sĩ đã cho ra đời liệu pháp có thể đáp ứng một phần các yêu cầu điều trị ở trên, đó là giải mẫn cảm thuốc. Liệu pháp này giúp cơ thể người bệnh làm quen dần với sự có mặt của thuốc bằng cách tiêm hoặc đặt dưới lưỡi lượng nhỏ thuốc gây dị ứng trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, bác sĩ sẽ tăng liều điều trị đến ngưỡng cần thiết mà vẫn đảm bảo phản ứng dị ứng không xảy ra. Lưu ý, liệu pháp giải mẫn cảm thuốc chỉ được áp dụng tại các trung tâm miễn dịch hoặc bệnh viện chuyên khoa, người bệnh tuyệt đối không tự làm tại nhà.

giai-man-cam-di-ung.jpg

Giải mẫn cảm thuốc là một liệu pháp có thể giúp bệnh nhân dùng thuốc đã bị dị ứng

Phòng tránh dị ứng thuốc

Nói chung, không thể ngăn dị ứng thuốc xảy ra. Nếu bạn biết mình bị dị ứng thuốc, điều quan trọng là tránh dùng lại thuốc đó và cần đảm bảo người thân hoặc bạn bè đều nhớ. Ngoài ra, một số lưu ý dưới đây cũng rất cần thiết, giúp bạn hạn chế thấp nhất dị ứng thuốc xảy ra:

  • Chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết, không được tự ý dùng thuốc hay nghe theo lời mách bảo không có căn cứ.
  • Khi đi khám bệnh hoặc mua thuốc, cần thông báo cho bác sĩ và dược sĩ về tiền sử dị ứng, làm giảm hiện tượng tương tác thuốc.
  • Không dùng thuốc mất nhãn mác, chuyển màu, quá hạn dùng.
  • Nếu thấy hiện tượng sốt, da bị kích ứng, mẩn đỏ, hồi hộp, khó thở… sau khi dùng thuốc, cần dừng mọi loại thuốc đang sử dụng. Đồng thời, đến các cơ sở y tế gần nhất và nhớ mang theo các thuốc đã dùng để bác sĩ nắm rõ, từ đó có những phương pháp điều trị kịp thời.

Bình luận

Bài viết nổi bật