Dị ứng thời tiết nóng là gì?
Cũng giống các phản ứng thông thường, dị ứng thời tiết nóng là kết quả của việc hệ miễn dịch bị kích thích trước nhiệt độ và độ ẩm trong không khí tăng lên quá mức. Tình trạng này thường xảy ra khi thời tiết nóng (35-40 độ C) và độ ẩm không khí cao hơn 70%.
Nhiệt độ cao khiến nhiều người bị dị ứng, ngứa
Nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy là triệu chứng đặc trưng của dị ứng thời tiết nóng. Những nốt ngứa xuất hiện chủ yếu ở tay, chân, lưng, ngực và thậm chí là mặt. Chúng có thể mọc rải rác khắp người hoặc tập trung thành mảng lớn, càng gãi càng ngứa, đi kèm với hiện tượng bỏng rát. Trong một số trường hợp, người bệnh còn có thể bị sưng phù ở một số vị trí như: Mí mắt, môi, bàn tay… rất mất thẩm mỹ.
Dị ứng thời tiết nóng cũng liên quan đến chứng mề đay cholinergic – một dạng của bệnh mề đay chịu sự tác động của nhiệt độ cao và mồ hôi.
Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết nóng?
Nguyên nhân trực tiếp gây ra hiện tượng dị ứng thời tiết nóng là do nhiệt độ và độ ẩm môi trường cao kích thích da bài tiết mồ hôi, làm thân nhiệt tăng cao. Những yếu tố này làm giải phóng acetylcholine, thúc đẩy tế bào mast giải phóng histamin và gây ra các triệu chứng dị ứng.
Dị ứng thời tiết nổi mẩn đỏ còn do một số tác nhân sau:
- Thay đổi thời tiết đột ngột: Nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cơ thể không kịp thích ứng sẽ kích thích dị ứng bùng phát một cách dữ dội.
- Môi trường xung quanh độc hại: Khói bụi, nấm mốc, khí thải công nghiệp…
- Yếu tố khác: Dị ứng thực phẩm, lông vật nuôi, phấn hoa…
Điều trị dị ứng thời tiết nóng thế nào?
Ở một vài trường hợp, dị ứng thời tiết nóng có thể tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh đều kéo dài từ vài ngày đến hàng tuần và buộc phải can thiệp bằng các biện pháp chăm sóc hoặc dùng thuốc.
Biện pháp khắc phục tạm thời
Ngay khi thấy mẩn đỏ, ngứa ngáy xuất hiện trên da, bạn có thể ngăn chặn chúng lan rộng bằng một số biện pháp như:
- Tắm nước mát: Để làm sạch cơ thể và hạ thân nhiệt, bạn có thể tắm nước mát hoặc dùng khăn lạnh lau toàn bộ người. Cách này sẽ làm dịu cơn ngứa, giảm tổn thương da lan rộng và giúp bạn dễ chịu hơn.
- Dùng lá lốt: Lá lốt tính ấm, chứa nhiều vitamin và khoáng chất có tác dụng nâng cao sức đề kháng, cải thiện miễn dịch nên được dùng nhiều trong các bệnh dị ứng ngoài da. Bạn hãy đem lá lốt đi rửa sạch, sau đó đun sôi với 300ml nước, để nguội rồi dùng bông gòn thấm vào tinh chất đã lọc và bôi lên vùng da bị ngứa.
- Sử dụng khoai tây: Khoai tây có khả năng xoa dịu và làm lành các tổn thương ngoài da nhanh chóng nhờ chứa nhiều dưỡng chất, vitamin. Khoai tây đem gọt vỏ, rửa sạch rồi thái từng lát mỏng. Sau khi vệ sinh da sạch sẽ, lấy từng lát khoai tây đắp lên da và chà nhẹ trong 20 phút. Tiếp đến, rửa sạch da với nước ấm và lau khô bằng khăn mềm, thực hiện đều đặn trong 1 tuần để giảm triệu chứng.
- Thoa gel nha đam: Nha đam có đặc tính làm dịu, giảm viêm và làm mát da. Khi bị ngứa, bạn có thể thoa gel nha đam lên da, sau đó rửa sạch lại với nước.
Dùng thuốc khi cần thiết
Nếu dị ứng thời tiết nóng gây ngứa dai dẳng, làm ảnh hưởng đến công việc và tâm lý người bệnh, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc tây để cải thiện triệu chứng, bao gồm:
- Thuốc uống: Đây là thuốc chống dị ứng điển hình cho mọi trường hợp bị nổi mẩn, ngứa ngáy ngoài da. Thuốc giúp giảm triệu chứng toàn thân sau 1-2 giờ sử dụng và được dùng chủ yếu ở dạng viên uống. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn như: Gây buồn ngủ, khô miệng, táo bón… nên cần thận trọng khi sử dụng.
- Thuốc bôi chứa menthol: Loại thuốc này thường được bôi trực tiếp lên vùng da bị viêm và ngứa nhằm làm giảm sưng đỏ, đau rát.
- Thuốc bôi chống viêm: Thuốc có thể được sản xuất dạng đơn thuần hoặc kết hợp với các thành phần khác như kháng sinh, chống nấm để tăng hiệu quả điều trị.
Bất cứ ai cũng đều có thể bị dị ứng thời tiết nóng, chỉ là ở mức độ nặng hay nhẹ. Vậy nên mỗi người cần trang bị cho mình các kiến thức cần thiết để khắc phục ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên, tránh bệnh tiến triển nặng.