Các dạng dị ứng ở trẻ em thường gặp và cách chữa tốt nhất

Dị ứng ở trẻ em là tình trạng khá phổ biến xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với chất gây dị ứng (dị nguyên) mà đôi lúc cha mẹ khó nhận biết được. Các triệu chứng không chỉ đơn giản là mẩn ngứa, nổi mề đay mà còn có nhiều biểu hiện khác như: hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, viêm xoang, viêm tai,... Các dạng dị ứng ở trẻ không phải loại nào cũng gây nguy hiểm, tuy nhiên nếu không chú ý can thiệp sớm, bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Các dạng dị ứng ở trẻ em thường gặp

Dị ứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh sẽ có nguy cơ cao hơn. Phản ứng dị ứng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể khác nhau, dẫn đến những bệnh hoặc tình trạng sau:

Viêm mũi dị ứng và viêm kết mạc dị ứng

Viêm mũi dị ứng là một trong những dạng dị ứng ở trẻ em rất hay gặp, triệu chứng không quá nặng nề nhưng thường dai dẳng, gây khó chịu cho trẻ. Các biểu hiện bao gồm: hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi và ngạt mũi khiến trẻ thường hay gãi mũi, thở bằng miệng và ngủ không yên giấc. Trong khi đó, trẻ bị viêm kết mạc dị ứng sẽ bị ngứa mắt, chảy nước mắt. Các biểu hiện viêm mũi dị ứng hoặc viêm kết mạc dị ứng thường xuất hiện và tái phát theo mùa, thậm chí quanh năm. 

Hen phế quản

Đây là tình trạng viêm đường thở mãn tính và phản ứng quá mức với các tác nhân bên ngoài. Nếu trẻ có các triệu chứng như: tức ngực, ho, khò khè, khó thở tái diễn nhiều lần,... cần đưa trẻ đi thăm khám sớm. Các tác nhân có thể làm khởi phát hoặc khiến cơn hen nặng hơn gồm có: khói bụi, phấn hoa, thức ăn khác, thuốc, nhiễm trùng hô hấp, viêm mũi dị ứng,...

Viêm da cơ địa (Bệnh chàm)

Đây là dạng dị ứng ở trẻ em phổ biến nhất. Biểu hiện thường thấy là các mụn nước nhỏ li ti trên vùng da như mặt, cánh tay hoặc rải rác toàn thân. Các mụn nước này thường gây ngứa rát, khi vỡ chảy dịch, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh ở trẻ. Nếu phát hiện các dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa con đến khám tại các cơ sở y tế sớm.

viem-da-co-dia.jpg

Viêm da cơ địa là dạng dị ứng ở trẻ em khá phổ biến

Dị ứng thức ăn

Dị ứng thức ăn có thể khởi phát ở bất kì thực phẩm nào, nhưng phổ biến nhất là: lạc, các loại hạt, cá, tôm, trứng, đậu nành, sữa và lúa mì,... Triệu chứng dị ứng ở trẻ em thường xuất hiện sau khi ăn vài phút đến vài giờ: ngứa rát, phù nề lưỡi hoặc miệng, ban đỏ kèm ngứa; buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng; nặng hơn có thể dẫn đến khó thở, tụt huyết áp và mất ý thức, đe dọa tính mạng của trẻ.

Mề đay cấp và mãn tính

Nổi mề đay là tình trạng ban đỏ ngứa xuất hiện rải rác trên da do dị ứng. Các ban này xuất hiện trong thời gian ngắn (mề đay cấp tính) hoặc tái diễn kéo dài trên 6 tuần (mề đay mãn tính). Trẻ cần được thăm khám và xét nghiệm máu để tìm dị nguyên gây bệnh. Mề đay có thể tự hết, tuy nhiên trong trường hợp nặng hoặc tái diễn kéo dài, phụ huynh nên cân nhắc cho trẻ dùng thuốc.

tre-bi-me-day-di-ung.jpg

Dị ứng ở trẻ gây nổi mề đay

Cha mẹ nên làm gì khi thấy xuất hiện các triệu chứng dị ứng ở trẻ em?

Để hạn chế dị ứng ở trẻ em, tốt nhất cha mẹ nên tìm nguyên nhân và hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chúng. Trong thời gian tìm nguyên nhân trẻ bị dị ứng, cha mẹ hãy thực hiện một số biện pháp sau:

+ Không cho trẻ tiếp xúc với phấn hoa, tránh ra gió

+ Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để giảm nấm mốc, mạt bụi nhà

+ Không nuôi các con vật có lông: chó, mèo, thỏ,...

+ Không trồng cây trong nhà

+ Giữ ấm cho trẻ, tránh để bị lạnh

+ Tránh để trẻ gãi lên vùng da bị dị ứng mề đay

+ Tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm, không chà xát lên vùng da bị dị ứng nổi mề đay, không dùng xà phòng có chất tẩy rửa mạnh, mặc quần áo và làm ấm cơ thể cho trẻ ngay sau khi tắm.

+ Tắm cho trẻ bằng thảo dược thiên nhiên: muối, lá chè xanh, mướp đắng, lá trầu,..

Trong trường hợp có biểu hiện dị ứng nặng, cần cho trẻ thăm khám chuyên khoa để có hướng điều trị phù hợp. Trẻ có thể được chỉ định dùng một số thuốc bôi ngoài da như kháng histamin, corticoid...

Bình luận

Bài viết nổi bật