Những triệu chứng mề đay bạn cần nắm rõ để điều trị đúng

Triệu chứng bệnh mề đay rất dễ nhận biết, đặc trưng bởi những nốt sẩn phù gây ngứa ngoài da. Tuy nhiên, nổi mề đay còn có nhiều biểu hiện khác mà không phải ai cũng nắm rõ, đặc biệt là trạng thái sưng, ngứa khá giống một số bệnh tương tự. Vì vậy, hiểu và nhận biết đúng các dấu hiệu nổi mề đay từ ban đầu sẽ giúp bạn có những biện pháp can thiệp sớm và điều trị hiệu quả.

Nổi mề đay là bệnh gì?

Nổi mề đay (mày đay) là hệ quả của các phản ứng quá mẫn do hệ miễn dịch bị kích thích dưới sự tác động của nhiều yếu tố gây phù ở da và niêm mạc. Khi một chất lạ xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ giải phóng đồng loạt các chất trung gian hóa học như histamin, bradykinin, leukotriene vào máu để chuẩn bị cho quá trình phản ứng. Trong đó, histamin đóng vai trò quan trọng nhất và được coi là “thủ phạm” ở hầu hết các trường hợp.

Thông thường, sự phóng thích histamin sẽ tác động lên hệ hô hấp, tuần hoàn hay tiêu hóa, nhưng đôi khi, nó sẽ phá vỡ các liên kết mạch máu, gây tích tụ và rò rỉ chất lỏng trong da, hình thành sưng, phù và đỏ. Đồng thời, histamin cũng kích thích dây thần kinh cảm giác làm người bệnh thấy ngứa.

Triệu chứng bệnh mề đay

Như chúng ta đã biết, những triệu chứng của bệnh mề đay chủ yếu xuất hiện trên bề mặt da. Tuy nhiên, điều này lại hay bị nhầm với các bệnh lý ngoài da khác, đặc biệt là eczema hay viêm da dị ứng. Để nhận biết đúng các dấu hiệu bệnh mề đay, bạn hãy căn cứ vào một số biểu hiện sau:

Ngứa dữ dội

Ngứa là dấu hiệu đầu tiên và cũng là cảm giác khó chịu nhất khi mắc bệnh mề đay. Khác với ngứa thông thường vì chỉ cần xoa hay gãi nhẹ là đỡ, những cơn ngứa do mề đay gây ra vô cùng dữ dội và kèm theo cảm giác nóng rát. Thói quen gãi lúc này sẽ không thể làm dịu cơn ngứa mà còn kích thích các nốt mẩn nổi nhiều hơn, lây lan sang những vùng da lành. Nhiều người gãi quá nhiều còn gây lở loét, dẫn đến nhiễm trùng da.

Sẩn phù (dát đỏ)

Một triệu chứng bệnh mề đay điển hình là các dát hay sẩn phù có màu hồng hoặc đỏ xuất hiện đột ngột, rầm rộ ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Những nốt sẩn có kích thước từ vài milimet đến vài centimet với nhiều hình dạng khác nhau, nổi rải rác khắp người hoặc tập trung thành từng đám lớn và rất ngứa. Sau vài phút hoặc vài giờ, sẩn phù sẽ biến mất mà không để lại dấu vết và hay tái phát.

san-ngua.jpg

Những nốt sẩn phù hơi nhô trên bề mặt da và gây ngứa

Phù mạch (phù Quincke)

Phù mạch là hiện tượng sưng nề cục bộ, xuất hiện nhanh và đột ngột, thường gặp ở những vị trí như môi, mí mắt, lưỡi, niêm mạc… Tình trạng sưng nề thường tồn tại trong 72 giờ, sau đó biến mất mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu bị phù ở thanh quản hoặc hầu họng sẽ cực kỳ nguy hiểm vì nó gây khó thở, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Đây là triệu chứng bệnh mề đay hiếm gặp nhưng bất kỳ ai cũng có thể mắc phải.

Da vẽ nổi

Triệu chứng bệnh mề đay còn biểu hiện bằng tình trạng da vẽ nổi. Hiện tượng này còn được gọi là viết trên da. Ở những người bị da vẽ nổi, chỉ cần dùng một vật đầu tù vạch nhẹ những đường lên da, sau vài phút, các vết trầy sẽ đỏ lên tại đúng vị trí được kích thích.

da-ve-noi-2.png

Da vẽ nổi là một triệu chứng bệnh mề đay khá thường gặp

Ngoài những thương tổn trên, nổi mề đay còn có nhiều triệu chứng khác ít gặp hơn, bao gồm: Sẩn nhỏ, sẩn mụn nước, xuất huyết dưới da…

Làm gì để cải thiện các triệu chứng của bệnh mề đay?

Có nhiều cách để cải thiện các biểu hiện nổi mề đay, tùy vào đối tượng mắc bệnh và mức độ tương ứng. Khi bị mề đay mẩn ngứa, bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:

  • Đắp khăn ướt hoặc gạc lạnh: Để giảm bớt sự khó chịu do mề đay gây ra, bạn có thể dùng gạc lạnh đắp lên vùng da bị tổn thương trong 10-15 phút, nghỉ một lúc rồi thực hiện tiếp. Hơi lạnh sẽ làm dịu cơn ngứa và hạn chế sự xuất hiện của vết mẩn mới. Tuy nhiên, nếu bị dị ứng thời tiết hoặc nhiệt độ lạnh, bạn không nên áp dụng phương pháp này.
  • Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt: Một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp sinh hoạt khoa học sẽ giúp việc điều trị mề đay nhanh có kết quả và bền vững hơn. Hạn chế ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như: Hải sản, thịt bò và tránh xa rượu bia, đồ uống có cồn là điều bạn cần nhớ.

rau-xanh.jpg

Ăn uống khoa học để hạn chế mề đay tái phát

  • Dùng thuốc chống dị ứng: Nếu những cơn ngứa do mề đay gây ra quá khó chịu, bạn có thể cân nhắc dùng một vài loại thuốc. Những thuốc dị ứng không kê đơn như: Kháng histamin, corticosteroid… có thể dễ dàng mua được tại các nhà thuốc. Tuy nhiên, thuốc chỉ giúp giảm ngứa tạm thời và có nhiều tác dụng phụ nên cần thận trọng khi sử dụng.
  • Sử dụng quả nhàu: Từ xa xưa, dân gian đã biết sử dụng các bộ phận của cây nhàu như lá, quả để chữa những bệnh ngoài da như: Nổi mề đay, mẩn ngứa, dị ứng, viêm da cơ địa… Bạn có thể dùng quả nhàu tươi ép lấy nước uống hoặc phơi khô rồi hãm với nước sôi thay cho trà sẽ nhận thấy hiệu quả tích cực.

Trên đây là các triệu chứng mề đay điển hình và cách cải thiện hiệu quả. Bạn hãy lưu lại để áp dụng ngay khi bị mề đay mẩn ngứa nhé!

Bình luận

Bài viết nổi bật