Mề đay cấp tính là gì?
Mề đay cấp tính là một phản ứng cấp của mao mạch do dị ứng, gây phù ở da và niêm mạc. Phản ứng dị ứng có thể xảy ra ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên, kéo dài hàng giờ cho đến vài ngày nhưng tối đa dưới 6 tuần.
Triệu chứng mề đay cấp là các nốt sẩn phù hoặc ban đỏ gây ngứa ngoài da. Nốt ngứa có thể nổi ở một bộ phận hoặc toàn bộ cơ thể và thường thay đổi hình dạng như hình tròn, hình nhẫn hay hình bản đồ. Mặt khác, mề đay có thể gây phù thành từng mảng lớn, sau một thời gian ngắn thì biến mất mà không để lại dấu vết. Tuy nhiên, chúng rất dễ quay trở lại nếu cơ thể bị kích thích với một tác nhân nào đó.
Ngoài sẩn ngứa thì phù mạch cũng là một triệu chứng mà người bị mề đay cấp tính gặp phải. Phù mạch là hiện tượng sưng nề cục bộ, xảy ra ở phía trên và dưới bề mặt da hoặc niêm mạc. Vị trí bị phù thường là những vùng da mỏng như mi mắt, môi, bộ phận sinh dục ngoài và có cảm giác căng nhiều hơn ngứa. Nếu bị phù ở lưỡi hay thanh quản, người bệnh rất dễ bị suy hô hấp, trường hợp nặng có thể tử vong do hệ hô hấp bị chèn ép.
Nguyên nhân gây nổi mề đay cấp tính
Khoảng 50% các trường hợp nổi mề đay cấp có thể xác định nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân gây mề đay cấp tính thường do tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc nhiễm trùng.
Dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp mề đay cấp tính. Bất kỳ thực phẩm nào cũng có thể gây dị ứng, nhưng những thực phẩm giàu protein sẽ làm các phản ứng xảy ra nhiều hơn, chẳng hạn: hải sản, trứng, chế phẩm làm từ sữa, đậu phộng, đậu nành, các loại hạt cây và lúa mì.
Dị ứng thực phẩm là nguyên nhân gây nổi mề đay cấp tính hàng đầu
Dị ứng thuốc
Về lý thuyết, hầu như tất cả các loại thuốc đều có thể gây ra phản ứng dị ứng. Thuốc kháng sinh, ví dụ Penicillin hay thuốc giảm đau Ibuprofen, thuốc an thần là những thuốc gây nổi mề đay ở nhiều người.
Các tác nhân vật lý
Ở những người có cơ địa nhạy cảm, mề đay cấp sẽ xuất hiện khi họ tiếp xúc với một số yếu tố bên ngoài, nhưng cơ chế gây bệnh không phải do dị ứng.
Các yếu tố vật lý có thể gây ra mề đay cấp như: thời tiết, vận động, mệt nhọc, gắng sức, stress, rung động hay chèn ép…
Côn trùng
Nổi mề đay cấp tính do côn trùng đốt thường gặp ở trẻ nhỏ bởi làn da của trẻ chưa hoàn thiện nên rất nhạy cảm. Các thương tổn mề đay sẽ xuất hiện sau vài phút hoặc vài giờ khiến trẻ ngứa ngáy và khó chịu. Một số côn trùng dễ gây nổi mề đay là: ong, muỗi, bọ chét, kiến 3 khoang…
Nhiễm trùng
Một số loại vi rút như viêm gan siêu vi B, C, Helicobacter pylori hay ký sinh trùng đường ruột, nhiễm nấm da cũng là những tác nhân kích thích mề đay cấp xuất hiện.
Ký sinh trùng đường ruột có thể gây mề đay cấp
Điều trị mề đay cấp tính
Nhìn chung, mề đay cấp được xếp vào dạng mề đay nhẹ, có thể tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, ở những trường hợp phản ứng nghiêm trọng, phối hợp các biện pháp chăm sóc và dùng thuốc điều trị là việc cấp thiết.
Biện pháp chăm sóc
Nguyên tắc đầu tiên trong việc điều trị mề đay nói chung và mề đay cấp tính nói riêng, đó là phải xác định được nguyên nhân gây bệnh, loại bỏ nó, cũng như tránh tiếp xúc lại. Nếu chưa tìm được nguyên nhân, người bệnh cũng cần thực hiện một số lưu ý sau đây:
- Dừng tất cả các thực phẩm và thuốc mà bản thân nghi ngờ bị dị ứng, tránh các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá trong thời gian điều trị.
- Hạn chế gãi hay chà xát quá mạnh lên những vùng da bị tổn thương vì có thể gây viêm nhiễm, dẫn đến khó điều trị sau này.
- Tránh các hoạt động mạnh, che chắn cẩn thận khi ra ngoài để làn da không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hay gió bụi, làm giảm khả năng kích ứng.
- Lựa chọn quần áo có chất liệu mềm, thoáng mát như cotton để làn da được thoải mái nhất. Tránh đồ bó sát, len, bông sẽ làm da bị cọ xát và gây ngứa nhiều hơn.
- Bổ sung các loại vitamin, khoáng chất từ rau xanh và hoa quả tươi hàng ngày, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng và áp lực.
Thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày giúp làm giảm mề đay
Chữa mề đay cấp tính bằng mẹo
Hiện nay, điều trị mề đay bằng mẹo dân gian được khá nhiều người lựa chọn vì đa số các biện pháp đều sử dụng nguyên liệu tự nhiên để chữa bệnh, lành tính và cũng tiết kiệm chi phí. Có rất nhiều mẹo chữa mề đay cấp tính khác nhau, đơn cử như tắm lá trầu không, uống nước lá đinh lăng hay đắp gừng lên những vùng da bị tổn thương…
Ở mề đay cấp tính, các mẹo dân gian sẽ có tác dụng khá tốt với những thương tổn bên ngoài, giúp giảm ngứa, đỏ, sưng, viêm. Tuy nhiên, nếu bị mề đay cấp kèm phù mạch thì các biện pháp dân gian sẽ không có hiệu quả. Mặt khác, mẹo chữa mề đay chỉ có thể làm tại nhà và tốn khá nhiều thời gian chuẩn bị.
Thuốc Tây chữa trị mề đay cấp
Hiện nay, kháng histamin là thuốc được sử dụng nhiều nhất cho các trường hợp nổi mề đay cấp tính. Bằng cách ức chế hệ miễn dịch không giải phóng histamin - thủ phạm trong các phản ứng viêm và dị ứng, thuốc kháng histamin sẽ ngăn không cho các triệu chứng xảy ra, từ đó làm giảm mề đay, mẩn ngứa.
Trong một số trường hợp nổi mề đay, bao gồm mề đay cấp và mãn tính mà thuốc kháng histamin không đáp ứng được các yêu cầu điều trị thì corticosteroid là một giải pháp thay thế. Đặc biệt, thuốc corticosteroid có tác dụng hiệu quả ở những trường hợp mề đay cấp tính nặng kèm biểu hiện phù thanh quản nhờ làm giảm các triệu chứng dị ứng rất nhanh.
Tuy nhiên, cả 2 thuốc kháng histamin và corticosteroid đều có nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn: gây buồn ngủ, táo bón, tăng huyết áp, loét dạ dày tá tràng… Do đó bạn cần sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Mề đay cấp tính có thể kéo dài hơn 24 giờ. Bạn cần chủ động điều trị, chăm sóc để hạn chế tổn thương da, hay tình trạng mề đay cấp tiến triển thành mề đay mãn tính. Nếu có bất cứ bất thường nào cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cách xử trí phù hợp.